TRI ÂN
Thầy là người Hoa, tên thật của thầy là (林原材- lin yuan cai) Lâm Nguyên Tài. Chúng tôi thường gọi thầy là "lão sư". Tiếng Trung nghĩa là "Thầy", chứ không phải "thầy già" như ta vẫn tưởng. Mà trẻ thật, thầy trẻ trung lắm. Trong cái tuổi năm mươi mà thầy nhanh nhẹn lạ thường. Dáng người nhỏ nhỏ, môi mỏng mỏng mà thuyết phục chúng tôi sát đất bằng gọng chuẩn Bắc Kinh. Không biết hữu duyên thế nào mà chúng tôi hội ngộ cùng thầy. Chỉ sau năm chúng tôi học (2004) thầy đã sang Hoa Kì sinh sống, cách chúng tôi nửa vòng trái đất. Và cũng lúc này đây, chúng tôi mới bàng hoàng giật mình vì bấy lâu nay chúng tôi đã phí hoài công thầy quá nhiều. Lũ chúng tôi, ĐH3C2 phần lớn là yếu môn thầy cả. Thứ tiếng Trung khi nói phải uốn mồn bẻ miệng, chữ viết toàn những móc, ngoặc, sổ, ngang làm cho chúng tôi khó lòng nhập vào "ổ cứng" của mình. Thế mà ấn tượng về thầy thì dễ ghi khắc trong tim gấp nhiều lần so với những chữ Hoa thầy dạy. Năm ấy, đầu năm đại học thứ nhất, chúng tôi mới bắt đầu tiếp xúc với môn Tiếng Trung. Đối với chúng tôi việc này cũng giống như vượt "Vạn lí trường thành". Đứa nào cũng ngán ngại cả. Vậy mà giờ học đầu tiên thầy đã xóa đi nhiều những băn khoăn trong lòng chúng tôi. Thầy giới thiệu về môn học và những lí thú của thứ tiếng "đồng văn" với Tiếng Việt. Nghe sao hấp dẫn và dễ dàng lạ thường. "jia ting" (gia đình), "xing fu" (hạnh phúc), hay "lao shi" (lão sư)... Biết bao nét tương đồng về ngữ âm Hán Việt làm cho chúng tôi cảm thấy tạm yên lòng. Cùng với phong cách hồ hỡi nhiệt tình của thầy làm cho chúng tôi phấn chấn hơn lên. Chẳng bao lâu, thầy trò thân thiết lúc nào tôi chẳng biết. Thầy rất thương tôi và tôi cũng rất mến thầy. Bao nhiêu tâm huyết tôi dồn vào học môn Tiếng Trung của thầy hết. Chắc vì vậy mà tôi tiến bộ nhiều hơn. Khi ấy tôi mới nhận ra rằng, học Tiếng không chỉ là một ngoại ngữ mà còn mở ra cho tôi nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa. Những kiến thức rất chuẩn xác về ngôn ngữ cũng được giải đáp thông qua môn học này. Có những từ Hán Việt chắc chắn rằng chúng ta không thể hiểu nghĩa một cách rõ ràng minh xác khi chưa biết tiếng "gốc Hoa" của nó. Chẳng hạn từ "thủ đoạn" trong tiếng Việt có hàm nghĩa xấu nhưng trong tiếng Trung chỉ là một từ thông thường mang nghĩa "cách thức" làm một việc gì đó mà thôi. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện thành ngữ liên quan đế nhiều điển tích Trung Quốc. Sự tích Tây Hồ, truyện kể về áo Kì Bào, truyền thuyết về bánh trung thu... Tất cả đã được Lâm lão sư "khai nhãn" cho chúng tôi cả. Đặc biệt là môn thư pháp Trung Quốc. Một nghệ thuật có một không hai trên thế giới này. Chỉ có chữ tượng hình mới có thể áp dụng nghệ thuật ấy một cách hứng thú và đặc sắc. Thầy đã dạy chúng tôi từng động tác cầm bút. Thầy hướng dẫn "đi cọ" như thế nào cho "nét mác" thanh thoát bay bổng lên. Thầy cùng chúng tôi ngồi ngoài hành lang khu thực hành thí nghiệm viết những bức "thư pháp" đầu tay những buổi không có phòng vào. Ấn tượng ấy, kỉ niệm ấy có thể nào phai nhạt? Hết năm nhất, tôi đã có thể giao tiếp được với người Hoa ở thành phố Long Xuyên. Mỗi lần học bài những môn không còn "vào" nổi, tôi lấy tiếng Trung ra đọc là tan biến hết bao nỗi mệt nhọc. Tiếng Trung đối với tôi như một món ăn tinh thần ngon lành, bổ khỏe. Học nó như là mọt thú chơi tao nhã vậy. Thỉnh thoảng tôi lại luyện tập thư pháp. Cũng "mực tàu giấy đỏ" như "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên. Nhưng đến thế kỉ XXI này, nét đẹp văn hóa ấy không những không mai một mà có phần khởi sắc hơn. Mấy lần tổ chức "hội thi thư pháp" của bộ môn Ngữ Văn trường Đại học An Giang tôi đều "ẳm" giải. Tôi mê Tiếng Trung bao nhiêu thì cũng "mê" thầy bấy nhiêu. Mê giọng Bắc Kinh rõ, chuẩn mà mềm mại, uyển chuyển. Mê nét chữ sắc nét ngang, móc, sổ... trên bảng đen mỗi buổi ở trường. Đặc biệt, phong cách sống như "không để phải hối tiếc" của thầy làm cho tôi hoàn thiện hơn lối sống của mình. Từ đó tôi không còn khép nép, tự ti mà hăng hái hơn, mạnh mẽ hơn. Làm sao quên được câu nói làm phương châm hành động của thầy trao tặng cho tôi: "Rén sheng zui kùai lè de shì shi néng zuo rén mén shuo ni bu néng zùo de shì" (Trên đời, điều vui nhất là bạn có thể làm việc mà người khác cho rằng bạn không thể nào làm được). Thật vậy, có rất nhiều chuyện vui trong đời, nhưng khi ta chinh phục được đỉnh cao mà mọi người chắc rằng mình không thể vượt qua thì có niềm vui nào bằng được. Khác nào mình đã vượt lên chính mình. Câu nói ấy có sức động viên rất nhiều, đặc biệt là đem lại sự tự tin cho bản thân tôi. Một ý chí quyết tâm chinh phục bản thân, cũng như chinh phục sự đánh giá thấp về mình của người khác. Từ đó tôi đã gặt hái được một số thành công đáng kể. Một câu nói rất ấn tượng khác của thầy khuyên chúng tôi: "Qu ba, zùo ni xi huan zùo de shì" (Đi đi và làm những gì bạn thích). Thật khó có được tư tưởng này trong hành động của mỗi người, nhất là những người có thói quen cứng nhắc. Việc gì trong khuôn khổ, trong mực thước thì mới dám làm. Cả đời như "người trong bao" thì làm sao có sáng tạo và phát minh được. Tinh thần tự do trong hành động và suy nghĩ thật đáng quý biết bao. Ngày tết 2010, thầy về nước. Tôi chưa kịp vui mừng thì được tin mẹ của thầy đã qua đời. Tận bên kia bán cầu, linh cửu của bà được đưa về Long Xuyên làm lễ mai táng. Tôi cùng Văn Cẩm đến để phân ưu với thầy nhưng đã lỡ ngày. Không thể nói hết bao điều áy náy trong lòng mình được... Thầy ơi, chúng em thành thật chia buồn với nỗi mất mát không thể nào bù đắp của thầy. Chúng em cũng học được một bài học cao quý. Hôm sau chúng em đến, thầy nói: "mảnh đất này, căn nhà này mẹ Wò (tôi) sinh Wò ra ở đây, nên giá nào Wò cũng đem về đây". Có thể nói gia đình thầy ở khắp năm châu. Quê gốc ở Trung Quốc, thầy và chị thầy ở Long Xuyên (An Giang, Việt Nam), em thầy ở Úc, anh thầy ở Canada. Vậy mà thầy đã lấy mảnh đất Long Xuyên làm quê hương mình và chọn nơi an nghỉ của ông bà ở đây. Tình yêu nào đã làm "đất lạ hóa quê hương?" Em mong rằng trong tình yêu ấy có chút tình của lứa học trò hãy còn thơ dại ĐH3C2 chúng em nhé thầy! Từ đấy đến nay, ngày nào em cũng không quên học một vài từ Tiếng Trung. Đúng như thầy nói, "đi làm những gì bạn thích", em học thế chỉ vì em thích, em mê. Thật vui phải không thầy? Thầy ơi! Từ bên này bán cầu, em xin nhờ chương trình "Nét bút tri ân" do trung ương Đoàn tổ chức, gửi đến thầy mấy lời tri ân chân thành của em và của lớp chúng em. Xin thầy luôn nhớ rằng, ở nơi này, chúng em vẫn luôn luôn nhớ đến thầy và mong ngày nào thầy về lại quê hương để thầy trò mình họp mặt. Chúc thầy và gia đình luôn thật vui khỏe, thành công trên mọi mặt, nhất là "làm được những điều mà mọi người cho rằng bạn không thể làm được" nghe thầy! Riêng em, ( 太峰) Thái Phong, học trò nhỏ của thầy vẫn luôn luôn ghi khắc trong tim mình hình ảnh người thầy nhỏ nhắn, thân thương. Không có bút mực nào có thể nói hết tình, em chỉ hy vọng thầy trò mình vẫn tiếp tục liên lạc với nhau để nỗi buồn thì chia đôi còn niềm vui thì ngày càng nhân lên gấp bội. Trong trái tim em, thầy mãi là người cha, người anh thân tình gần gũi, năng nổ, nhiệt tình .... Nguồn: netbuttrian.vn
Click here and start typing. Ex ea commodi consequatur quis autem vel eum iure.