OPEN YOUR MIND-打开你的眼界

Thầygiáo - Nguyễn Thái Phong 

TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG AN GIANG

Khóm Châu Thới I - Phường Châu Phú B - Thành phố Châu Đốc - An Giang

Your Title Goes Here

Enter subtitle here

This is where your text starts. You can click here and start typing. Sed ut perspiciatis unde omnis iste natus error sit voluptatem accusantium doloremque laudantium totam rem aperiam eaque ipsa quae ab illo inventore veritatis et quasi.

Ea commodi consequatur quis autem vel eum iure reprehenderit qui in ea voluptate velit esse quam nihil molestiae consequatur vel illum qui dolorem eum fugiat quo voluptas nulla.

Hãy cười lên, cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn

                    "Trăm quan mua lấy miệng cười", đó là lời một chàng trai nào đó trong dân gian đã khéo ngả giá cho nụ cười của cô gái mà mình yêu mình mến.  Cuộc sống con người vui buồn sướng khổ, thế nên không ít người có ý khuyên nhủ chúng ta rằng "Hãy cười lên cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn". Trước tiên, biểu hiện của nụ cười ai ai cũng dễ nhận ra. Mặc dù cười mỉm chi hay cười toe toét, cười ha ha thì nhìn chung, nụ cười hiện lên trên môi khi chúng ta thấy vui trong lòng. Cũng có lúc cười khi gặp tình huống oái oăm, tức cười, hoặc những nụ cười trừ trong khi lúng túng không biết phải làm sao. Nhưng chung nhất, ở đây vẫn quan tâm đến nụ cười vui vẻ, thoải mái. Và như vậy, ý kiến trên là một lời khuyên chân thành cho những ai đang buồn và thiếu vắng nụ cười. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn hiểu lời khuyên trên theo nghĩa rộng hơn. Đó là hãy vui lên, lạc quan lên, quên đi hãy tạm gác lại những ưu phiền thì chắc chắn cả thế giới sẽ cùng ta trở nên lạc quan và vui vẻ. Đó là một thái độ sống chứ không chỉ là nụ cười đơn thuần nữa. Tức là hãy sống vui lên, lạc quan hơn, trải lòng hơn thì chúng ta sẽ nhận thấy sự đồng điệu từ những người xung quanh, bạn bè, đồng nghiệp hay xóm giềng, và cả không gian sống. Từ xưa, ông cha ta đã từng nhắc đến tác dụng của nụ cười "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", "Ngó lên đầu tóc em tròn, hàm răng em trắng miệng cười giòn anh mê". Bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh nụ cười và cái đẹp mà nụ cười mang lại, nó có tác dụng vô cùng to lớn cho sức khỏe và cho cái đẹp nết của con người nữa. Ngày nay, trong xã hội "toàn cầu hóa", con người càng dễ dàng đến với nhau hơn, do đó nụ cười mang lại cho nhau nhiều hơn và vui hơn nữa. Đó là những nụ cười nhân văn của các nguyên thủ quốc gia, chủ tịch tập đoàn, thương gia đem lại bao nhiêu cơ hội đoàn kết và hội nhập. Đó là những nụ cười của người làm từ thiện và những người nhận sự tương trợ ấy cùng với tấm lòng nhân ái. Là nụ cười của cô y tá, của chú lao công, của anh công nhân, của bác nông dân ngày ngày xây dựng cuộc sống bằng đôi tay cần mẫn dạn dày. Là nụ cười của thầy và trò dưới mái trường ê a những bài học làm người... tất cả đều có sự tương tác giữa người nở nụ cười và thế giới xung quanh. Đáng tiếc thay, có những người rất bi quan hoặc không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, họ không thể hoặc không muốn nở nụ cười cho đời vui. Hằng ngày họ ôm lấy vết thương lòng và than vãn ủy mị, có thể cái khổ của họ không lớn như sự cường điệu cảm xúc mà họ đang dằn vặt bản thân mình. Đó là thái độ sống cần phải xem lại và cân nhắc kĩ lưỡng để có được sự tiến bộ. Mặc khác cũng cần phê phán những cái cười giả dối, hình thức, hoặc cười trên nỗi khổ của người khác, đấy là những nụ cười khiếm nhã kém lịch sự. Bởi đó, là học sinh thanh niên, mỗi chúng ta không vì lí do gì mà ngại nở nụ cười vô tư mỗi ngày khi đến lớp. Nụ cười khi ta được đi học với thầy cô bạn bè, được ước mơ, được cống hiến. Và ta còn ngại gì mà không mỉm cười với mọi người xung quanh, đến với họ bằng trái tim chân thành để chia sớt nỗi buồn mà họ đang gặp phải để cuộc đời này tươi hơn, đẹp hơn mỗi ngày.  (09/04/2018 Thầy Phong)

8/11/2017. "Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến với mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới".

                                                       Gợi ý:

               Có ý kiến cho rằng nó là tấm giấy thông hành cho phép ta đến với mọi người, mọi nơi và đặc biệt là đến với mọi trái tim. Đúng vậy, phép lịch sự biểu hiện qua lời nói dịu dàng dễ nghe, qua hành động khéo léo thể hiện sự tôn trọng đối phương và văn hóa của họ. Mục đích của nó nhằm tạo mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng người đối diện hay cộng đồng khác với mình. Trong xã hội xưa, ông cha đã chú trọng phép lịch sự trong giao tiếp. Những phương châm sống và lời khuyên chí lí như "lời chào cao hơn mâm cổ, lời nói không mất tiền mua" hay "nhập gia tùy tục"... đều là những bằng chứng sinh động. Trong hành động, người ta vẫn chú ý đến phép lịch sự, thể hiện ứng xử có văn hóa như "ăn trông nồi ngồi trông hướng". Ngày nay, câu chuyện anh ứng viên nhặt những tờ giấy rơi trên hành lang trước khi đến văn phòng phỏng vấn đã đem đến cho anh công việc lí tưởng. Đó là do phép lịch sự đã cho anh một tấm vé thông hành đến với công việc và cả trái tim của lãnh đạo. Văn hóa cúi chào của người Nhật thể hiện nét lịch sự mà thế giới phải ngưỡng mộ. Cái chắp tay trước ngực khi chào của người Khmer cũng là nét đẹp, nét lịch sự làm nên văn hóa dân tộc. Mới đây, những học sinh trường Lê Hồng Phong ở thành phố Hồ Chí Minh cuối chào bác bảo vệ là biểu hiện lịch sự thường xuyên  của học sinh Việt Nam. Rộng hơn, phép lịch sự của người Việt Nam trong ứng xử với khu vực và thế giới đã và đang nâng dần vị thế quốc gia lên mức cao hơn. Bên cạnh đó, cũng không ít bạn trẻ nói năng, cư xử thiếu lịch sự như sử dụng từ ngữ thô tục khi giao tiếp, khi bình luận trên mạng xã hội, xả rác bừa bãi... là những điều nên nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bởi vậy, học sinh chúng ta để có được tấm vé thông hành đến mọi nơi và đi vào trái tim người khác với cảm tình đẹp, điều tiên quyết là phải có phép lịch sự. Chúng ta phải ra sức rèn đức luyện tài, sống văn minh lịch sự để cánh cửa bước ra thế giới được rộng mở. Từ đó, đất nước Việt Nam cũng có cơ hội mở cửa đón chào bạn bè thế giới bằng sức thu hút của phép lịch sự đặc trưng dân tộc của mình. (Phong - xin lỗi vì không bỏ đúng dấu)

2/11/2017 Vấn đề xây dưngj con người (không đánh ra dấu được?!)

                      Nhìn lại quá trình xây dựng đất nước, đến năm 2015 TS Lê Kiên Thành cho rằng cái chúng ta chưa làm được đó là vấn đề xây dựng con người. Chắc hẳn đó là tồn tại khá lớn và làm cho những người có tâm với đất nước không khỏi băn khoăn. Rõ ràng xây dựng đất nước chúng ta với mục tiêu rất rõ là văn minh tiến bộ và hiện đại, do đó con người Việt Nam cũng đặt ra cho mình những mục tiêu ấy. Con người với vai trò là chủ của xã hội, và là lực lượng lao động nên trước hết con người hiện đại phải có là tầm nhìn. Nếu ta chỉ lo quẩn quanh với những lợi ích trước mắt mà không có tầm nhìn chiến lược lâu dài, chú trọng phát triển vật chất mà quên đi tinh thần đạo đức.. thì rất thiên lệch. Điều quan trọng thứ hai là trình độ khoa học công nghệ, trình độ tri thức nói chung của mọi lưc lượng xã hội. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiếu kĩ sư trình độ chuyên môn cao.... đang là vấn đề tồn tại khi tiến hành hiện đại hóa đất nước. Làm sao để điều hành một hệ thống dây chuyền sản xuất với những trang thiết bị hiện đại tiên tiến. Thực hiện được những điều đó, đòi hỏi những con người hiện đại lành nghề, có chuyên môn kĩ thuật cao và tác phong làm việc nghiêm túc. Một lĩnh vực nhức nhối đó là văn hóa con người hiện đại. Chúng ta đã trang bị cho mình những phẩm chất của con người văn minh hiện đại hay chưa? Chúng ta có uy tín thương hiệu, làm ăn kinh tế chất lượng, giữ chữ tín trên thương trường hay chưa? Khi tham gia giao thông, xã hội ta chắc chắn vô cùng ngán ngại tình hình hỗn loạn của những hung thần đường phố... Khi đi dự hội đền Trần, năm nào báo chí cũng đưa tin hot cho dư luận tha hồ bàn tán xôn xao. Cái cần thiết của một con người văn minh hiện đại, phải chăng đó là tổng thể những phẩm chất và năng lực cần thiết nhất? Bởi đó, là thế hệ trẻ, năng động, việc xây dựng con người mới trước hết thể hiện qua việc học tập và rèn luyện của chúng ta. Kế đến là chúng ta phải có ước mơ, hoài bảo, sống có trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử văn minh. Và nên chăng, chúng ta cũng tập cho mình tư duy rộng mở, không bảo thủ, hòa nhập xu thế chung của thế giới ... để đủ sức đủ tài và cái tâm của người chủ tương lai của đất nước. (Phong)

1/11/2017 KHÁT VỌNG VÀ THAM VỌNG

                        Chắc hẳn trong hành trình cuộc đời không ai có thể thiếu vắng những khát vọng, ước mơ. Tuy nhiên khi bàn về khát vọng và tham vọng, có ý kiến cho rằng "hãy sống khát vọng chứ đừng tham vọng". Có thể hiểu khát vọng là những ước muốn cháy bỏng của mỗi con người để đạt được điều gì đó nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta. Chẳng hạn, khát vọng sau này trở thành bác sĩ, kĩ sư, thành nhà khoa học, phi hành gia, hay thậm chí là người hùng bảo vệ nhân loại... Nhìn chung khát vọng là những ý muốn tốt đẹp, chính đáng. Khác với khát vọng là tham vọng, nó cũng là những ước muốn nhưng có yếu tố "tham". Có thể diễn giải đó là sự tham lam trong ước muốn, bằng mọi giá và thủ đoạn để đạt được mục đích lớn lao và chủ yếu là cho bản thân mình. Biểu hiện những khát vọng chân chính của nhân dân ta "trông cho chân cứng đá mềm" hay khát vọng "ở hiền gặp lành", cô Tấm được làm hoàng hậu hạnh phúc... đều rất đẹp và lãng mạn. Nếu không có khát vọng độc lập chắc khó có thể xuất hiện những dấu son lịch sử như chiến thắng Bạch Đằng, chiến thắng Quân Minh, Chiến thắng Điện Biên... Trong cuộc sống đời thường, nếu thầy Nguyễn Ngọc Kí, Nic Vujicic... không có những khát vọng thì làm sao trở thành ngọn lửa nhiệt huyết đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nếu Nguyễn Thị Ánh Viên không khát vọng đem vinh quang về cho thể thao nước nhà thì làm sao có danh hiệu Kình Ngư. Nhưng ngược lại, những tham vọng thấp hèn xấu xa cũng đã đem đến nhiều bi kịch. Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Hitler, hay những kẻ thưjc dân, cưjc đoan... không ít lần gây tang thương chết chóc điêu đứng nhân loại. Mặc khác cũng cần hết sức tỉnh táo khi một ai đó bị gán lên mình tội danh "tham vọng". Một khi chúng ta có ước mơ dưj định lớn lao, mang tính vĩ mô thì phần đông cho rằng ta là kẻ tham vọng. Thế là mặc cảm tội lỗi đã nhanh chóng kéo chúng ta về vị trí "khiêm tốn" an toàn. Đó là mặt trái của vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Bởi đó, là thanh niên học sinh, việc gì các bạn lại ngần ngại ước mơ lớn lao, dám có khát vọng cháy bỏng cho mình và quê hương đất nước. Bằng sưj kiên trì, bền chí cùng với sưj nhanh nhạy của tuổi trẻ, tôi tin chắc các bạn cùng tôi thưjc hiện ước mơ của mình, không phải "tham vọng" mà là những ước mơ lớn, của người có tầm nhìn lớn. (Phong)

15/10/2017.       Trên thảo nguyên có hai mẹ con nhà sư tử. Sư tử con hỏi mẹ:
"Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?"
Mẹ bảo:
"Hạnh phúc ở đuôi con đấy"
Sư tử con ngây ngô cứ gắng sức đuổi theo đuôi mình, mà mãi không thể bắt được.
Sư tử mẹ nhìn con cười hiền hậu nói:
"Ngốc ạ, không cần phải đuổi theo hạnh phúc. Chỉ cần con ngẩng cao đầu hướng về phía trước, thì hạnh phúc sẽ mãi mãi đuổi theo con". 

BÀI LÀM 

                          Hạnh phúc là gì? đó luôn là câu hỏi mà con người luôn đặt ra và tìm kiếm trên hành trình cuộc đời mình. Truyện ngụ ngôn con sư tử đuổi bắt hạnh phúc trên đây là một ẩn dụ khéo léo nói về quan niệm về hạnh phúc và việc thế nào để có hạnh phúc. Chú sư tử con ngây ngô hỏi hạnh phúc ở đâu, thật ra con người chúng ta cũng thường xuyên chất vấn mình hoặc tìm kiếm đáp án cho câu hỏi ấy từ rất lâu trong lịch sử. Có người tìm kiếm hạnh phúc từ chính mái ấm yêu thương, môt túp lều tranh hai quả tim vàng. Cũng có nhiều người tìm kiếm hạnh phúc trên đường chiến đấu xông pha trận mạc để lập công danh lưu tiếng muôn đời. Những chàng thư sinh sôi kinh nấu sử cũng mưu cầu hạnh phúc chốn quan trường với quan niệm kinh bang tế thế. Có anh bờm quê mùa cảm thấy hạnh phúc khi được nắm xôi. Như vậy, vẫn còn đó những quan niệm trái chiều về hạnh phúc xa xôi hay gần gũi, lớn lao hay đơn giản. Trong bài ngụ ngôn trên, người kể chuyện thiên về hạnh phúc gần gũi nhưng khó nắm bắt, và cách nắm bắt là đừng đuổi theo mà hãy để hạnh phúc đuổi theo mình. Nếu vậy, quả thực có những niềm hạnh phúc rất gần gũi. Đó là hạnh phúc đạm bạc đơn sơ của "râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Là hạnh phúc của bác nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo cho đời. Hạnh phúc còn hiện hữu sau mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều trăm đắng nghìn cay. Bởi đó, hạnh phúc gần gũi như cái đuôi con sư tử mà chính nó không thể nào với tới. Nếu người nông dân cay đắng với tháng ngày lam lũ, đôi vợ chồng nọ chăm chăm than thở chuyện hàn vi thì chắc chắn sẽ không thể có được hạnh phúc chân thực ấy. Bởi vậy, không cần phải đuổi quẩn đuổi quanh để bắt lấy hạnh phúc làm gì. Vế thứ hai của vấn đề là phải ngẩng cao đầu tiến bước. Thật không sai! các bậc trí giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ... ung dung tự tại hưởng thú thanh nhàn, đấy chẳng phải là ngẩng cao đầu tiến bước mặc thời thế nhiễu nhương hay sao. Bác Hồ bôn ba đây đó vượt trăm ngàn sóng gió đem lại hạnh phúc cho muôn dân chẳng phải không theo đuổi mà hạnh phúc tự chạy theo đó sao? Thầy giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với hai chân làm nên lỳ tích, hay Nik Vujicic không tay không chân vẫn truyền cảm hứng cho cả nước và thế giới... đó là những minh chứng hùng hồn cho việc ngẩng cao đầu tiến về phía trước. Suy cho cùng, con người sống trong xã hội này, hãy mạnh mẽ tiến lên, làm việc và học tập, dấn thân và cống hiến, tự khắc niềm vui và hạnh phúc sẽ đuổi theo và chung sống với chúng ta. Đây cũng chính là bài học thâm thúy cho giới trẻ thanh thiếu niên và học sinh đang trong tuổi thanh xuân như chú sư tử con ngây ngô trong câu truyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa. (Thầy Phong)


3/10/2017 "Những tâm hồn nhỏ mọn có những mối lo nhỏ mọn, những tâm hồn lớn lao không có thời gian để lo lắng". R.Emerson (Nhà thơ, triết gia, nhiếp ảnh gia nghệ thuật Mỹ)

                              Nếu thế giới vật chất rộng lớn bao la thì thế giới tâm hồn của con người lại vô cùng phong phú và kì diệu. Emerson- nhà tiên phong trong nhiếp ảnh nghệ thuật cho rằng những tâm hồn nhỏ mọn có những mối lo nhỏ mọn còn tâm hồn lớn lao thì không có thời gian để lo lắng. Vậy ra, có những tâm hồn nhỏ mọn và chật hẹp? Nói cách khác, hay bởi những mối lo nhỏ mọn làm cho tâm hồn con người nhỏ mọn đi. Chắc chắn rằng những mối lo tầm thường, nhỏ mọn không thể làm cho tâm hồn rộng mở lớn lao. Làm sao mẹ con Cám có thể trang trải tình thương cho Tấm khi mà mình chỉ thương con mình và bản thân mình, chỉ lo tranh giành từ vật nhỏ nhất là chiếc yếm đỏ, giết cá bống, tranh đi trẩy hội? Làm sao Lý Thông có thể làm phò mã khi chỉ chăm chăm lo tranh cướp công sức của em kết nghĩa của mình. Đứng ở ngôi cao ngất ngưởng như Tào Tháo cũng không thu phục được Dương Tu khi người này quá hiểu rõ về ông. Còn Trần Thủ Độ lại toả sáng đức cao thượng của bậc thái sư khi không trách tội người lính gác cổng thành làm tròn trách nhiệm. Trong cuộc sống có những mối lo nhỏ nhưng không "mọn". Đó là nỗi lo của người nông dân "trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm", đó là mối lo cơm áo đời thường nhưng thiết thân và ý nghĩa. Hay mối lo của Chị Dậu, Lão Hạc là do cuộc sống của người dân thuộc địa đẩy đến đường cùng, chứ tâm hồn họ không hề chật hẹp mà trái lại vẫn chan chứa tình thương. Những người có tâm sưj lớn lao chứ không đơn thuần là lo lắng, ví như cụ Nguyễn Trãi "vẫn băn khoăn một nỗi đồ hồi" hay Nguyễn Du "con mắt trông thấu cả sáu cỏi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời" đều không phải là nỗi lo nhỏ mọn. Những bậc chí sĩ tưởng chừng như không lo lắng gì như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm "ngồi nhìn phú quý tựa chiêm bao" thật ra đều ôm ấp một hoài bão lớn lao, lo cho dân cho nước. Bác Hồ, dù bận trăm công nghìn việc nhưng đến ngày tết Trung Thu Bác vẫn không quên chúc các thiếu niên nhi đồng. Việc nhỏ ấy càng tôn vinh con người có tâm hồn lớn lao. Ngược lại, những kẻ như Hitler, phát xít Đức, Nhật, có ý muốn vô cùng to lớn nhưng chỉ để thỏa mãn dã tâm thấp hèn, tâm hồn hẹp hòi, ích kỉ, độc ác. Là con người, ta nên tỉnh táo, đừng để những mối lo nhỏ mọn làm nhỏ bé tâm hồn mình. Ngoài ra, bắt đầu từ những bước đầu tiên như chăm học, tích cưjc sáng tạo học đi đôi với hành... sẽ là nguồn dưỡng chất làm màu mở thêm vườn hoa tâm hồn của thế hệ trẻ. (Thầy Phong)

(Bị lỗi chữ Ư thêm dấu ra chữ bậy không hà! xin lỗi nhé!, chưa chỉnh được!)

3/10/2017. 

"Cuộc sống không tặng cho ta thứ gì. Những gì mà cuộc sống đem lại cho ta đều đã được ghi giá một cách kín đáo". (Khuyết danh)

                      Các bạn lạc quan thường cho rằng cuộc sống này ban tặng cho ta nhiều món quà quý giá và vô điều kiện, nhưng cũng có người lập luận rằng, cuộc sống này đem lại cho ta những gì đều có cái giá của nó. Ta thử nghĩ xem những gì cuộc sống này đem lại cho con người và con người có phải trả giá cho những thứ đó không? Cuộc sống trước hết là thiên nhiên bao la rộng lớn, với nguồn khoáng sản tài nguyên vô tận cho con người sử dụng. Nước, đất, ánh sáng, không khí, khoáng sản, con người khai thác mà không hề trả "tiền" cho thiên nhiên đất mẹ. Cuộc sống còn là xã hội loài người, văn minh nhân loại, là gia đình ấm êm, là thầy cô bạn bè và vô số những cơ hội để con người thừa hưởng, dấn thân, khám phá... cho đến thế giới tâm hồn phong phú tự do. Tất cả tưởng chừng như không phải tốn hao điều gì khi nhận lấy. Tình yêu bao la, lãng mạn, con người khi yêu và được yêu chẳng cần phải tiêu tốn gì cho "thuế tình yêu". Nhưng xem ra cái giá mà con người đổi lấy những điều cuộc sống đem lại không phải ít. Để có được lương thực nuôi sống bản thân, nhân dân ta ý thức rõ "ai ơi bưng bát cơm đầy, dẽo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Để có được học thức, học sinh phải học hành gian khổ, tìm tòi, nghiên cứu. Để có được cơ nghiệp, nhà kinh doanh tích lũy từng đồng, lăn lộn chốn thương trường. Và hơn hết, để có được hòa bình, nhân dân Việt Nam đã đổ bao nhiêu xương máu. Tất cả những điều đó có thể xem là cái giá rõ ràng của cuộc sống đưa ra. Những năm gần đây thiên tai liên tiếp, thảm họa ập đến đe dọa cuộc sống nhân loại toàn cầu là câu trả lời cho sự khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên và xả khí thải ra bầu không khí một cách "miễn phí" như một bộ phận người từng nghĩ. Do đó, đạo lí "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn" và tinh thần biết giá của những gì mình thừa hưởng đã gặp nhau về tư tưởng. Còn những gì cuộc sống cho không là bởi nó quá bao la. Chúng ta có thể tìm thấy sự vô tận của tình thương cha mẹ với con cái, của những người yêu nhau "cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em" của Puskin với nghĩa cử cao thượng trong tình yêu. Là tình yêu vô bờ tế độ chúng sinh trong quan niệm của các tôn giáo, của chúa, của đức phật.... những đấng thiêng liêng ban phát phước lành. Nhưng những người thụ hưởng nó, tất yếu phải có "giá" đó là tính thiện, là lòng nhân ái xuất phát từ tâm. Bởi vậy, nếu là người sống có trách nhiệm, chúng ta nên khơi dậy lòng biết ơn trong tâm khảm mình đối với mọi vật, mọi điều mà cuộc sống ban tặng. Bởi bằng hình thức này hay hình thức khác, rõ ràng hay sâu kín, thì mọi thứ cuộc sống đem đến cho ta mang trong mình một giá trị và đòi hỏi ta phải tạo ra, nhân rộng giá trị ấy. (Thầy Phong)

"Sống thì đừng quan tâm người khác nói gì về mình, bởi chỉ có bạn mới biết mình là ai" (Khuyết danh)

              Dân gian Việt Nam khuyên rằng "Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiền ba chân". Cùng quan điểm ấy, nhiều người hiện nay cho rằng "sống thì đừng quan tâm người khác nói gì về mình", bởi họ cho rằng "chỉ có bạn mới biết mình là ai". Chẳng trách họ, vì từ xưa, con người vốn dĩ thường xuyên đối diện với bao nhiêu lời thị phi đàm tếu từ miệng thiên hạ. Bởi thế nếu sống theo dư luận thì khó lòng yên ổn, không thể hài lòng tất cả mọi người. Do đó, mặt tích cực mà câu châm ngôn này đem đến cho chúng ta là phải có lập trường vững vàng trong cuộc sống, không sống chạy theo dư luận, thị phi. Câu chuyện "tái ông thất mã" là một minh chứng cụ thể, và tấm gương ấy một lần nữa được Nguyễn Công Trứ "ngất ngưởng" với thái độ sống vững chải của mình. Ông Hy Văn đã quan niệm "được mất dương dương người thái thượng, khen chê phơi phới ngọn đông phong". Bởi hậu quả của lối sống chạy theo lời thiên hạ trong câu chuyện "đẽo cày giữa đường" hay "treo biển" là những tấm gương xấu cần phê phán. Tuy nhiên, câu nói trên hiện nay đã ít nhiều bị lạm dụng trong nhiều trường hợp. Những bạn trẻ, những ca sĩ mới nổi, những "thánh trol" đã lấy đó làm bình phong che chắn cho lối sống lập dị, trang phục kì quái, phát ngôn bất cần của mình, và cho đó là chỉ có mình mới biết mình là ai, mình nên làm gì mà thôi. Hay những vị tai to mặt lớn làm ngơ tất cả những lời kêu ca của công dân, xa rời quan liêu dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia, tham ô, lãng phí... đều là mặt trái của lối sống không cần quan tâm lời người khuyên ấy. Bác Hồ từng nói "biết người biết ta", do đó, con người chúng ta trong mối quan hệ phong phú của cuộc đời này, rất cần biết lắng nghe lời góp ý chân thành của kẻ trên người dưới. Bên cạnh đó cũng rất cần có lập trường vững chắc, bỏ qua những lời đàm tếu thị phi cho lòng thanh thảnh nhẹ nhàng. Hiểu sâu sắc bản thân mình, ý nguyện và ước mơ, nhưng sống sao đừng để trở thành tâm điểm của dư luận cũng là điều cần suy nghĩ.

----------------------------------------------------------------------------

KHÓ QUÁ BỎ QUA

            Trong giao tiếp thường ngày, chúng ta thường hay nghe cụm từ "khó quá bỏ qua" xuất hiện ngày càng nhiều. Nó dường như đã trở thành câu tục ngữ hiện đại. Xét về mặt cấu tạo, câu nói trên không có chủ ngữ và cũng không nêu rõ cách giải quyết vấn đề, nên ta có thể vận dụng rộng rãi cho nhiều trường hợp. Khó là việc làm quá khó, không làm được, không có cách để làm, việc rắc rối, tốn kém, làm không đạt hiệu quả. Vì thế ta dừng lại không theo đuổi, không làm nữa. Cũng có thể hiểu khó trong tư duy, không nghĩ ra, không giải thích được. Trong quan hệ giao tiếp, mâu thuẫn do không hiểu ý nhau, khó lòng làm cho đối phương thông cảm, thấu hiểu, tiếp nhận. Ta nên bỏ qua, không nên đẩy sự việc đi xa thêm. Cách ứng xử "bỏ qua" rất phù hợp. Nếu ta dừng một dự án quá khó khăn, sẽ tiết kiệm được kinh tế, công sức, thời gian. Còn ngược lại sẽ lâm vào tình trạng "dã tràng se cát", mất công vô ích. Dừng lại những ước mơ viễn vông, những dự định lớn lao để chuyên tâm vào mục tiêu trước mắt đó là một giải pháp khôn ngoan. Tuy thế, hễ thấy việc khó mà dừng lại, gian nan mà nản lòng thì rất khó thành công. Ông cha ta từng khuyên "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo" "có công mài sắt có ngày nên kim" đều muốn nêu cao bài học kiên trì, quyết chí trong làm việc, suy nghĩ. Bởi đó, chớ vội phê phán những người phát ngôn "khó quá bỏ qua" và cũng không nên dùng câu này để chống chế cho sự lười nhác, thiếu bản lĩnh. Biết buông bỏ cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, phấn đấu học tập và làm việc nhưng không vụ lợi, thế mới là cuộc sống có ý nghĩa. (Thái Phong) 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bài làm

           Hình ảnh có ngôn ngữ nghệ thuật riêng của nó. Nếu xem hình ảnh trong bức hình trên là một bức ảnh nghệ thuật ta sẽ được gợi mở ra nhiều vấn đề. Trước hết, ta thấy ba đối tượng, thuyền giấy, bóng đèn và vùng nước đen. Mối quan hệ giữa thuyền giấy và bóng đèn là mối quan hệ ràng buộc bởi sợi dây gì đó. Về phương diện vật lí, ta biết bóng đèn nếu chưa bị thủng sẽ nổi trên mặt nước, còn thuyền giấy sẽ ngấm nước và sẽ chìm trong thời gian nhất định. Nếu hiểu ở nét nghĩa đơn giản nhất, chẳng qua đó là trò chơi của một em bé nào đó mà thôi. Nhưng nếu xem xét những sự vật trên với nghĩa biểu tượng của nó, ta sẽ rút ra nhiều điều thú vị. Thuyền giấy có thể tượng trưng cho thơ, cho lãng mạn, cho kí ức tuổi thơ, cho nghệ thuật, cho vật tái chế, cho nghệ thuật xếp thủ công, ... còn bóng đèn mang ý nghĩa phát minh, sáng chế, khoa học, công nghiệp, và có cả ý nghĩa vật tái chế. Như vậy trạng thái tồn tại của chúng là gắn bó, ràng buộc nhau, cái này nâng cái kia hay cái kia níu giữ cái này. Và còn môi trường xung quanh đen tối nữa, ấy có thể là môi trường sống ô nhiễm, môi trường xã hội và thời đại tối đen, hay nguồn dầu, hay một vũ trụ bao la.... Như vậy, có thể thấy bức ảnh trên là hoàn toàn có chủ ý, nó toát lên nhiều thông tin mang ý nghĩa gắn kết, tương quan, sự tồn tại và gợi mở nhiều. Liên tưởng đến con người chúng ta, đôi khi bản thân chúng ta là một thực thể tồn tại trong những mối tương quan phức tạp. Đôi khi ta không thể biết được giá trị và mục đích cuộc đời. Có lúc ta lạc lối trong môi trường ô nhiễm và xã hội hỗn tạp... nhưng cũng có khi ta là một sự vật trong tay của một trò chơi vô tình nào đó. Nhưng nếu ta là một yếu tố làm nên bức ảnh nghệ thuật, thì âu cũng là giá trị mà cuộc sống ban tặng cho sự tồn tại của mình vậy! (Thái Phong)

----------------------------------------------------------------------------------------------

Một người đâu phải nhân gian/ sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi (Tố Hữu)


                                Đã gọi là nhân gian ta hiểu ngay ấy là một quần thể đông đúc và quan hệ chặt chẽ với nhau trên nhiều phương diện. Bởi đó, Tố hữu khuyên nhủ rằng "Một người đâu phải nhân gian, sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi". Vế đầu vừa là phủ định để khẳng định điều kiện và đặc trưng cơ bản của "nhân gian" . Sẽ không thể gọi là nhân gian, và cũng sẽ không có cái nhân gian nào chỉ có một người. Suy rộng ra, nếu một người tách mình ra khỏi quần thể thì không tồn tại được. Ý thức rõ điều này, dân gian từ xưa đã răn dạy "một cây làm chẳng nên non", "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Trong trường hợp Mai An Tim hay Rô bin sơn chỉ là một dạng tạm thời bị buộc phải tách rời nhân gian, nhưng vẫn tìm mọi cách để hướng về cộng đồng nhân loại. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, tinh thần đoàn kết một lòng đã đưa đất nước ta thoát khỏi chiến tranh, đến với hòa bình. Kế đó, nhân dân ta tay trong tay diệt giặc đói và giặc dốt. Do đó, thái độ sống đúng đắn không gì khác hơn là phải mình vì mọi người, mọi người vì mình. Luôn dang rộng vòng tay nối kết với bạn bè, đồng nghiệp, đồng bào. Trong xu thế hội nhập ngày nay, thái độ đó còn là tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng nhau. Tuy vậy, không thể ngụy biện cho tinh thần bè phái, lợi ích nhóm, triệt tiêu cá nhân, gây khó khăn cho người khác biệt trong tập thể. Vì thế, các bạn trẻ còn ngại gì mà không phát huy tối đa tiềm năng của mình trong tinh thần đòan kết gắn bó để cùng sánh bước trên con đường chiếm lĩnh tri thức, hướng tới tương lai? (Thầy Phong)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN THAM KHẢO

"Chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập đường đời và kết quả giáo dục của gia đình"

                               Người ta thường quan niệm hễ học cao thì có văn hóa. Nhưng không hẳn thế, "Chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập đường đời và kết quả giáo dục của gia đình". Có thể thấy, chất văn hóa của một con người toát lên qua cách ăn nói, ứng xử gọi chung là "nết ăn nết ở". Điều có được vun đắp bởi tri thức nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tri thức. Con người có thể rèn luyện và bồi dưỡng chất văn hóa thông qua ý thức tự tu dưỡng bản thân mình. Sống đẹp, sống thiện, sống chan hòa ấy là nét đẹp ngàn đời của nhân loại. Chuyện cô Tấm ở hiền, nết na, xinh đẹp không mấy liên quan đến cuộc đời nghèo khổ và thiếu học của cô. Lối sống xa hoa nhưng thiếu sinh khí nơi phủ chúa Trịnh không đi đôi với nền giáo dục vương giả. Hàng chục biệt phủ rải rác mọc lên từ Bắc chí Nam chưa hẳn đã nói lên chất văn hóa của con người sống trong ấy. Bởi vậy, chất văn hóa là kết tinh của ý thức tự tu dưỡng tính nết, của quá trình học tập không ngừng và cũng là tinh hoa của truyền thống gia đình. Câu "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" chỉ nói lên thân phận của con người chứ không bàn về chất văn hóa của họ. Bởi vậy, là thanh niên thế hệ trẻ, có thể xuất phát điểm khác nhau, nền tảng gia đình khác nhau nhưng hãy để chất văn hóa toát ra từ con người mình bằng kết quả của quá trình khổ luyện và kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

(Thầy Phong viết) 

Suy nghĩ của anh chị về quan niệm "được mất dương dương người Thái Thượng"?

BÀI LÀM:

                  Sở hữu là ý thức muôn đời của con người, mà trong học thuyết đạo phật gọi là "chấp". Đứng trước lợi lộc, công danh hay tài sản người ta lúc nào cũng muốn chiếm lấy làm của riêng mình. Có thể nói, khi đạt được những điều đó thì ta cảm thấy hạnh phúc vui mừng còn khi mất đi thì ta cảm thấy đau buồn, nuối tiếc, tuyệt vọng. Nhưng xem xét kĩ, nỗi khổ niềm đau ấy sản sinh chủ yếu là do thái độ của ta đối với sự việc ấy. Từ xưa, người anh tham lam trong truyện "cây khế", hai mẹ con Cám, tên Lí Thông ... luôn muốn được cho mình nên kết quả chẳng những không được mà còn thảm hại hơn. Ngược lại, những người chiệu thiệt, chịu mất nhưng cuối cùng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Ngày nay, con người ta mải mê theo đuổi chuyện được mất trong công danh, sự nghiệp, tiếng tốt danh thơm, tiền tài vật chất....không ít người đã sa vào tính so đo ghen ăn tức ở. Những kẻ chiếm hàng ngàn tỉ đồng, gom của chật nhà nhưng vẫn không thấy đủ, danh vọng ngất ngưởng cao nhưng vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Ngược lại, có không ít những người nghèo khó mà vẫn vô tư làm từ thiện, lá lành đùm lá rách.... Những cô cậu học sinh bế tắc khi thi trượt, khi thất tình, khi mất đi thứ gì đó... dẫn đến trầm cảm, tuyệt vọng; đó là những người thiếu thái độ bình thản như trên. Do đó, lối sống tích cực, cầu tiến nhưng không tự mãn, buông xả nhưng không buông xuôi mới là cách sống hài hòa nhất. (Thái Phong viết)

------------------------------------------------------------------------

Đừng so sánh mình với bất cứ ai trong thế giới này. Nếu bạn làm như vậy có nghĩa bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình" Bill Gates.

BÀI LÀM

                     Người đời thường nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đem bản thân so sánh với một người nào khác có lẽ càng khập khiễng hơn. Bill Gates - nhà tỉ phú lừng danh thế giới có lần nhắn nhủ "đừng so sánh mình với bất cứ ai". Trên thực tế, chúng ta vẫn thường hay so sánh và nhận thấy cần thiết trong quá trình nhận thức, đánh giá một đối tượng nào đó. Ta đối chiếu để tìm điểm giống nhau và khác nhau... để nhận xét đánh giá sự vật ấy toàn diện hơn. Nhưng con người là một thực thể vô cùng sinh động và đặc biệt, và con người là chủ thể của chính bản thân mình. Vì vậy, khi đem mình ra so sánh với một người nào đó chính là lúc ta biến mình thành đối tượng so sánh, không còn là chủ thể nữa. Mặc khác, so sánh ở đây có thể hiểu là sự so đo, sự ước muốn được như người khác hay thần tượng họ. Ta không thể nào muốn mình giống như một ca sĩ, một diễn viên, một doanh nhân nào đó được. Ta càng không thể đem cái sở đoản, những nhược điểm của bản thân mình ra để thấy mình yếu kém hơn, bất hạnh hơn người khác. Tự đặt mình theo mọt hình mẫu nào đó tức là vô tình gò mình vào khuôn mẫu khác, tự chuốc khổ vào thân. Giới trẻ ngày nay rầm rộ, mù quáng chạy theo thần tượng hay chọn ngành nghề theo phong trào mà không xem xét khả năng của bản thân chính là những biểu hiện sinh động của sự mất tự tin ở bản thân, thiếu tự chủ. Hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ chúng ta cần lắm một bản lĩnh vững vàng, không tự mình sỉ nhục mình bằng cách so sánh hay ganh đua mù quáng. Trái lại, việc đưa ra những thông tin của người khác làm tư liệu tham khảo đối chiếu để tự hoàn thiện mình cũng là điều rất cần thiết.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

"Người ta có thể chống lại sự xâm lược của một đạo quân, nhưng không thể chống lại sự xâm chiếm của tư tưởng" Hugo

BÀI LÀM

                   Nếu trong thế giới vật chất, con người có thể dễ dàng nhận biết một bông hoa , bụi gai, thì trong thế giới tâm hồn, để ngăn chăn sự xâm lược của một luồng tư tưởng nào đó là điều vô cùng khó khăn và phức tạp. Đúng vậy, hình ảnh một đạo quân xâm lược trong thực tế rất cụ thể, có nguồn gốc, lai lịch ... mà ta có thể nhận diện rõ ràng. Nhưng trong tâm hồn, tư tưởng là cái gì đó rất mơ hồ, trừu tượng và tinh vi. Đó là tư tưởng tự cao tự đại hay tự ti mặc cảm, chờ đợi cam chịu. Đó là tư tưởng ngại thay đổi, bảo thủ, cố chấp. Đó còn là tư tưởng hẹp hòi ích kỉ, tham lam, cực đoan, tư tưởng xam lược thực dân, muốn làm bs chủ thế giới. Trong lịch sử, chúng ta đã từng chứng kiến những tư tưởng cá nhân và hệ tư tưởng của cộng đồng, có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử nhân loại. Đó là tư tưởng triết học Phật giáo bác ái nhân từ, là tư tưởng Khổng tử đề cao trách nhiệm ca nhân, sứ mệnh của người quân tử "kinh bang tế thế. Tồn tại bên cạnh đó là những tư tưởng xấu xa thấp hèn như ganh tị của Lý Thông, mẹ con Cám; tư tưởng muốn làm bá chủ của Tần Thủy Hoàng, của Tào Tháo, thực dân Anh, Phát xít Đức... những tư tưởng ấy đã đem đến cho nhân loại bao thảm kịch khó quên. Để có được tư tưởng nhân ái, bao dung, trong sạch con người không thể thờ ơ mà hằng ngày hằng giờ phải không ngừng trau dồi tư tưởng, phấn đấu học tập, biết rung cảm trước những tác phẩm văn chương, những nhân vật hay số phận trong cuộc sống. Có như thế tâm hồn chúng ta mới được thanh lọc và mới phần nào chống lại sự xâm chiếm của đạo quân vô hình nhơ bợn xấu xa tiêu cưjc  bên ngoài cuộc sống mang lại.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

這個世界並不是掌握在那些嘲笑者手中,而恰恰掌握在能够經受得住嘲笑與忍得住批評,不斷往前走的人手中。
(Thầy Lâm Nguyên Tài dịch)

Thế giới này không phải được thống quản bởi những kẻ trêu cười, mà là bởi những người có thể chịu nỗi sự chế giễu và nhịn nhục, không ngừng tiếp bước đi tới... 

BÀI LÀM

                  Dân gian việt nam có câu "cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười". Suy nghĩ lại ta chợt nhận ra con người hay cười cợt chê bai nhau quá! Những người hay chế giễu chê bai người khác dường như lấy đó làm vui, làm hạnh phúc. Xấu cũng cười, nghèo cũng cười, chậm cũng cười, nhanh cũng cười. Giàu thì chê là trọc phú, giỏi thì chê là "mọt sách", đẹp thì chê là "bình hoa di động", lấy chồng đại gia thì chê là vì tiền, thậm chí những vị tổng thống chủ tịch, những vĩ nhân cũng bị chê cười nốt. Ngày nay nhân vì sự phổ biến của mạng internet nên người ra rào rào ném đá bất kể thứ gì, bất kể đó là ai. Vậy, những kẻ thường bị chê cười là ai, là những người có những biểu hiện khác với dòng đời đông đúc. Là những người tiên phong, khác biệt. Ngàn xưa, ông lão trong truyện dân gian Trung Hoa "Ngu công dời núi" bị hàng xóm cười chê khi quyết tâm dời ngọn núi trước nhà. Truyện dân gian việt nam, cô gái con út phú ông đã chọn anh chàng sọ dừa có nhân hình kì quái bị mọi người cười chê cả hai. Trên thế giới, galile, Banzac, Gorki, Tào Tháo, Thành cát Tư Hãn, Hitler... cũng không tránh khỏi búa rìu dư luận. Kể cả những cường quốc như Mĩ, Nga, Trung Quốc, cho đến quốc gia nắm vũ khí hạt nhân Triều Tiên đều bị chê cười tất tần tật. Không bàn về ai đúng ai sai, ai chính nghĩa ai phi nghĩa, ở đây ta nhận ra một điều những kẻ, những quốc gia đang hứng chịu những lời cười cợt chê bai ấy lại là những kẻ thắng, những kẻ mạnh, những người "quản thống thế giới". Còn những kẻ chuyên chê cười người khác, những anh hùng bàn phiếm biết đâu vẫn đang nằm trong vòng tay của sự ngu dốt, nghèo nàn, lạc hậu và nô lệ. Chắc chắn rằng, chúng ta sẽ chọn cho mình một lối sống phù hợp chứ?

---------------------------------------------------------------------

Flag Counter
© 2017 Worlds Collide. All rights reserved.
Powered by Webnode
Create your website for free! This website was made with Webnode. Create your own for free today! Get started